ĐĂNG KÝ THUẾ KINH DOANH QUA MẠNG: NÊN TỰ GIÁC ĐỂ TRÁNH BỊ PHẠT

(HQ Online)- Vừa qua, Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo các cục thuế địa phương yêu cầu các cá nhân, DN kinh doanh qua mạng phải đăng ký và nộp thuế. Cục Thuế TP.HCM đã chính thức triển khai, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng đã bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, kết quả ban đầu chưa được như kỳ vọng. Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Cúc.

Thưa bà, ngành Thuế đang đẩy mạnh việc thu thuế của các cá nhân, DN kinh doanh qua mạng. Bà đánh giá thế nào về hoạt động này?

Theo tôi, việc quản lý, thu thuế hoạt động bán hàng qua mạng xã hội là một tất yếu khách quan vì các DN kinh doanh bình thường phải nộp thuế thì các DN kinh doanh qua mạng cũng phải nộp thuế là hoàn toàn phù hợp.

Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo các cục thuế địa phương yêu cầu các cá nhân, DN kinh doanh qua mạng phải đăng ký và nộp thuế. Trong số đó, ngoài DN, cá nhân chỉ hoạt động bán hàng trên mạng; có cả các DN, cá nhân vừa hoạt động kinh doanh thuần túy thông thường vừa kinh doanh trên mạng. Đối với loại hình thứ 2, họ phải kê khai, tổng hợp cả phần doanh thu kinh doanh trên mạng và phần kinh doanh truyền thống.

Trong trường hợp tổng doanh thu cả 2 mảng kinh doanh từ 100 triệu đồng trở xuống thì họ được miễn thuế. Còn tất cả các trường hợp khác trên 100 triệu đồng doanh thu thì phải kê khai thuế. Nếu không thực hiện, cơ quan Thuế sẽ có các biện pháp phối hợp để yêu cầu các cá nhân, DN thực hiện bình đẳng trước pháp luật về thuế. Điều đó sẽ vừa tạo điều kiện cho DN phát triển, vừa đảm bảo bình đẳng giữa kinh doanh truyền thống và kinh doanh qua mạng.

Thực tế, các hộ, các DN truyền thống phải thuê địa điểm, thuê nhân công mà vẫn nộp thuế thì không có lý do gì hoạt động kinh doanh qua mạng tiết kiệm được chi phí thuê địa điểm và chi phí nhân công lại không nộp.

Vừa qua, Cục Thuế TP.HCM đã tiếp nhận đăng ký của các cá nhân, DN kinh doanh qua mạng. Tuy nhiên, con số thống kê cho đến nay không được như kỳ vọng. TP. Hà Nội thì mới bắt tay vào thực hiện, chưa có thống kê cụ thể. Theo bà, muốn triển khai thành công việc thu thuế này, cơ quan Thuế cần phải làm gì?

Trước mắt, việc tuyên truyền, khuyến khích để các cá nhân tự đăng ký là quan trọng nhất. Đến một thời điểm nhất định, các cá nhân, DN vẫn không đăng ký thì cơ quan Thuế sẽ buộc phải dùng đến các biện pháp được phép như thanh tra, kiểm tra, thậm chí là cưỡng chế thuế để đưa các hộ, cá nhân kinh doanh vào một mặt bằng có kỷ cương, lập lại bình đẳng về thuế.

Bà có khuyến nghị gì đối với các cá nhân, DN đang kinh doanh qua mạng mà chưa đăng ký thuế?

Tôi nghĩ rằng, tốt hơn hết, các hộ, các DN đã nhận được thông báo của cơ quan Thuế thì nên tự giác kê khai thay vì để cơ quan Thuế phải áp dụng các biện pháp “cứng”. Thực tế, bên cạnh việc huy động nhân lực thanh tra, kiểm tra sẵn có, cơ quan Thuế còn có thể phối hợp với các cơ quan chức năng khác như cơ quan quản lý truyền thông, tổ chức tín dụng, thậm chí có thể phối hợp với an ninh dữ liệu mạng để khôi phục những dữ liệu mà các cá nhân cố ý xóa đi để tính toán lại doanh thu nộp thuế để truy thu.

Khi các cá nhân, DN đã không tự nguyện thì việc truy thu thuế còn kèm theo cả tiền phạt từ 1 đến 3 lần, khá là nặng. Do đó, các cá nhân, các DN nên tự giác đăng ký, kê khai thuế theo hướng dẫn của cơ quan Thuế.

Xin cảm ơn bà!

Hồng Vân (ghi)

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

Comments for this post are closed.