CHÍNH PHỦ GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN

(HQ Online)- Chiều 13/12, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cùng đại diện các bộ, ngành đã có buổi làm việc, đối thoại với 25 DN thuộc Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam.

Nhiều kiến nghị liên quan đến việc NK ô tô được DN Nhật Bản đưa ra. Ảnh: Internet

Cần tăng độ tin cậy về pháp luật Việt Nam 

Phát biểu tại buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2017, GDP của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt con số 6,7%, có được điều này là nhờ sự đóng góp lớn của cộng đồng DN, trong đó có các DN Nhật Bản tại Việt Nam. Vì thế, với mục tiêu trong năm 2017 là tăng năng suất lao động, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao sức cạnh tranh của DN nên Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của DN để có những cải cách sát với thực tế và yêu cầu của DN nhất.

Về phía Nhật Bản, ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cho thấy không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước trên thế giới đều dành sự quan tâm lớn cho Việt Nam, nên đây là thời điểm để Việt am đón nhận cơ hội mới thu hút đầu tư.

Vì thế, ông Umeda Kunio đề xuất trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam nên chú trọng đến mục tiêu nâng cao năng suất lao động, Chính phủ nên phát động phong trào cải tiến năng suất trên toàn quốc với sự tham gia của tất cả các bộ ngành liên quan với đầu mối chính là Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, mặc dù những năm vừa qua môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều nhưng nhìn từ con mắt của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn ở vị trí chưa phù hợp lắm cho việc đầu tư, nguyên nhân là do độ tin cậy về pháp luật của Việt Nam còn thấp.

“Để tăng cường độ tin cậy, Chính phủ cần giữ đúng hai nguyên tắc. Thứ nhất là giữ vững những cam kết trước đây đã ký kết với nhà đầu tư. Thứ hai, các cơ quan ban ngành cần tuân theo các thông lệ và quy tắc kinh doanh quốc tế”, ông Umeda Kunio kiến nghị.

Nghiên cứu lùi thời điểm thi hành Nghị định 116

Cũng tại buổi làm việc, ông Karashima Hiroshi, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đã trình bày 4 kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách cho hoạt động kinh doanh của các DN Nhật Bản.

Đầu tiên, các DN Nhật Bản bày tỏ lo ngại về những khó khăn nếu Dự thảo nghị định liên quan đến việc người lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc đi vào thực thi. Bởi nghị định này sẽ làm tăng gánh nặng về tiền bảo hiểm cho nhà tuyển dụng lao động.

Thứ hai là những khó khăn liên quan đến dự thảo nghị định Luật bảo vệ môi trường. Bởi điều khoản trong dự thảo này yêu cầu cơ sở phải có thiết kế bảo đảm chứa nước thải sau xử lý ít nhất 72 giờ, điều này sẽ khiến DN tăng gánh nặng vì việc xây dựng bể chứa cần chi phí lớn.

Thứ ba là các khó khăn liên quan đến Thông tư 23 về NK máy móc cũ. Bởi việc này dẫn đến việc hạn chế đầu tư của các DN Nhật Bản tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có chủ trương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nên cần sự hợp tác của các DN nhỏ và vừa nước ngoài.

Cuối cùng, các DN Nhật Bản nêu ra kiến nghị về Nghị định 116 về sản xuất, lắp ráp, NK ô tô và dịch vụ bảo hành bảo dưỡng cho ô tô. Theo các DN, nhiều điều kiện trong nghị định đang tạo sự bất công giữa xe NK và xe sản xuất trong nước khi yêu cầu xe NK phải có đầy đủ giấy chứng nhận từ nhà sản xuất. Ngoài ra, việc các cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra xe NK theo lô với tần suất cao sẽ gây khó khăn, tốn thời gian của các DN NK. Do đó, đại diện các DN Nhật Bản kiến nghị nên lùi thời điểm thi hành của Nghị định 116.

Sau khi lắng nghe ý kiến giải đáp của đại diện các bộ, ngành tham dự buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã đưa ra nhiều chỉ thị và yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu ý kiến để có những thay đổi phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng DN Nhật Bản.

Đáng chú ý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cân nhắc lại từ “được” mua BHXH bắt buộc để DN dễ hiểu, không hiểu theo 2 nghĩa. Bộ Tài chính cần xem xét kỹ vấn đề liên quan đến những chi phí phát sinh, có thể đưa vào phí DN và rà soát các chính sách liên quan đến thuế.

Đối với kiến nghị về Nghị định 116, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tư tưởng của Nghị định 116 là vừa bảo vệ người sản xuất, vừa bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, cơ quan chức năng Việt Nam cần giấy chứng nhận của các nhà sản xuất để chứng mình xuất xứ hàng hóa, để nhà NK có quyền triệu hồi xe theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Riêng việc kiểm tra từng lô hàng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ lưu ý cần tiếp tục cải cách tạo thuận lợi cho nhà sản xuất và nhà NK. Nếu xe đã cùng chủng loại có đánh giá rồi thì xem xét sự tuân thủ của nhà NK và nhà sản xuất để xem xét thông quan, giúp DN đỡ mất thời gian và chi phí.

Đặc biệt, trước những kiến nghị và khó khăn của DN Nhật Bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu để lùi thời gian thi hành của Nghị định 116.

Hương Dịu

NHẬT BẢN VƯƠN LÊN DẪN ĐẦU NHẬP KHẨU TÔM CỦA VIỆT NAM

(HQ Online)-Do ảnh hưởng của thuế Chống bán phá giá khiến XK tôm của các DN Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng Yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này và đang vương lên dẫn đầu. 

Chế biến tôm xuất khẩu.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biế và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, XK tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm 2017 có xu hướng chững lại với 618 triệu USD, trong khi năm 2016, kim ngạch XK tăng gần 7%.

Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh, thuế Chống bán phá giá khiến XK tôm sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng Yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này. XK sang một số thị trường khác như EU, Hàn Quốc phục hồi tích cực bù đắp cho sụt giảm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Australia.

Trong quý 1/2017, Việt Nam XK tôm sang 68 thị trường, tăng so với 64 thị trường của cùng kỳ năm 2016. Top 10 thị trường chính bao gồm Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ, chiếm 95,4% tổng XK tôm Việt Nam.

Vị trí của top 10 thị trường NK tôm lớn nhất có sự thay đổi trong 3 tháng đầu năm nay: Nhật Bản vươn lên là thị trường lớn nhất thay cho Mỹ, Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3. Canada vươn lên vị trí thứ 6, Australia nhường chỗ cho Canada và đứng ở vị trí thứ 7.
XK tôm sang Nhật Bản bắt đầu phục hồi từ tháng 8/2016 và tăng trưởng liên tục đến tháng 3 năm nay. Nếu như cả năm 2016, XK tôm sang Nhật Bản chỉ tăng 2,7% thì 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tăng trưởng đạt 29,6% với giá trị XK 135,4 triệu USD.

Trong quý 1 năm nay, Nhật Bản là thị trường nổi bật nhất vì đã giành được vị trí số 1 từ Mỹ nhờ mức tăng trưởng tốt 29,6% trong NK tôm từ Việt Nam. EU vẫn ổn định ở vị trí thứ 2 tăng 6,4%. XK sang Trung Quốc sau khi tăng trưởng tốt trong năm 2016, trong quý đầu năm 2017 đảo chiều đi xuống. XK sang Hàn Quốc tăng trưởng tốt nhất nhờ những ưu đãi từ FTA giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Top 5 thị trường chính gồm Nhật Bản (chiếm tỷ trọng 21,9%), EU (chiếm 19,2%), Mỹ (18,1%), Trung Quốc (15,1%),  Hàn Quốc (10%). Trong top 5 này, XK sang Nhật Bản, EU, Hàn Quốc tăng trưởng tốt trong đó XK sang Hàn Quốc tăng mạnh nhất 30,8%; XK sang Mỹ, Trung Quốc giảm trong đó Mỹ giảm mạnh nhất 26,3%.

XK tôm sang Mỹ sau khi tăng trong 3 quý đầu năm, đảo chiều đi xuống trong quý IV/2016. Bước sang quý I/2017, XK tôm sang thị trường này tiếp tục xu hướng giảm. XK trong cả 3 tháng của quý I đều giảm từ 22-28% so với các tháng cùng kỳ năm 2016. Kim ngạch XK tôm Việt Nam sang Mỹ 3 tháng đầu năm nay đạt gần 112 triệu USD; giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2016. Do tăng trưởng âm nên Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3 trong top các thị trường NK tôm chính của Việt Nam trong quý đầu năm nay.

Biến đổi khí hậu như hạn hán và xâm ngập mặn có thể vẫn xảy ra và tác động đến sản xuất tôm nước lợ trong năm 2017. Dự báo sản lượng tôm nguyên liệu năm 2017 sẽ tăng nhẹ đạt 660 nghìn tấn trên 700 ha diện tích nuôi. XK tôm năm 2017 dự báo sẽ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9%. Trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 8%, tôm sú trên 900 triệu USD, tăng 2%.

Lê Thu

HẢI QUAN BÌNH DƯƠNG: TẬP HUẤN THỦ TỤC HẢI QUAN CHO LÃNH ĐẠO DN NHẬT BẢN

(HQ Online)-Ngày 4/5, Cục Hải quan Bình Dương phối hợp với Chi hội doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Bình Dương tổ chức hội nghị tập huấn về thủ tục hải quan, chính sách thuế XNK… cho lãnh đạo DN Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương. 

Lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương giải đáp thắc mắc của DN tại hội nghị. Ảnh T.D

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trường Giang cho biết, đây là một hoạt động nhằm đổi mới công tác đối thoại DN. Qua hội nghị này, sự tương tác giữa cơ quan Hải quan và lãnh đạo DN được nhiều hơn. Chủ DN sẽ được trực tiếp nghe giải đáp những vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến thủ tục XNK… để thực hiện theo đúng quy định.

Tại hội nghị, đại diện Cục Hải quan Bình Dương đã phổ biến đến lãnh đạo các DN về các quy định, chính sách liên quan đến thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; Lưu ý về các vướng mắc mà DN thường gặp phải có liên quan đến thuế XNK đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu trong thời gian qua; Quy định về cấp danh mục miễn thuế hàng hóa tạo tài sản cố định; Các quy định chung về phân tích, phân loại hàng hóa…

Chi cục kiểm tra sau thông quan cũng đã trình bày về một số quy định cũng như chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thuộc diện doanh nghiệp ưu tiên. Một số lưu ý đối với doanh nghiệp trong việc sử dụng chữ kí số, cảnh báo một số sai phạm của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan tại Bình Dương để doanh nghiệp rút kinh nghiệm không để vướng phải… Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, việc kiểm tra của cơ quan Hải quan là hướng đến sự tuân thủ chứ không xử phạt. Theo đó, DN cần lưu ý trong công tác phối hợp thực hiện giữa các bộ phận để tránh để xảy ra sai sót.

Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp cũng đã trực tiếp nêu câu hỏi xoay quanh định mức sản xuất đối với hàng hóa gia công sản xuất, xuất khẩu. Cụ thể, DN cho biết, định mức thực tế không khai báo định mức với cơ quan Hải quan, chỉ xuất trình với cơ quan Hải quan trong quá trình kiểm tra báo cáo quyết toán, nhưng phần cảnh báo sai phạm thường xuyên của DN (phát hiện trong quá trình kiểm tra của cơ quan Hải quan) lại có hành vi lên định mức không đúng. 

Trả lời vướng mắc này của DN, Cục Hải quan Bình Dương cho biết, trong quá trình kiểm tra báo cáo quyết toán, cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra tính chính xác của các định mức mà DN xuất trình, định mức này là định mức thực tế sản xuất tại DN. Tuy nhiên vì một lý do nào đó (như DN đã nhập thừa so với khai báo, xuất thiếu so với khai báo, hoặc trong quá trình quản lý nguyên phụ liệu tại DN do việc quản lý không được chặt chẽ, đã xảy ra tình thất thoát…) DN phải cân đối lại và xuất trình các định mức không đúng với thực tế, hành vi này được phát hiện khi cơ quan Hải quan thực hiện việc kiểm tra nên doanh nghiệp sẽ bị xử phạt và truy thu (nếu có).

Liên quan đến việc phân loại hàng hóa, đại diện phòng Thuế XNK cũng lưu ý doanh nghiệp cần phân biệt việc lấy mẫu để phân tích, phân loại xác định mã số thuế hay lấy mẫu để kiểm tra chất lượng nhà nước xác định chính sách mặt hàng (có đủ điều kiện được nhập khẩu hay không). Cụ thể, đối với hàng hóa lấy mẫu để phân tích, phân loại xác định mã số thuế thuộc diện giải phóng hàng, nghĩa là sau khi kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu, tờ khai sẽ được giải phóng hàng, doanh nghiệp được đưa hàng hóa vào sử dụng và làm thủ tục chuyển tiền trả cho nước ngoài, không cần phải chờ đợi kết quả phân tích phân loại.

Đối với hàng hóa lấy mẫu để kiểm tra chất lượng nhà nước xác định chính sách mặt hàng thuộc diện đưa hàng về bảo quản, nghĩa là sau khi kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu, doanh nghiệp sẽ được đưa hàng về bảo quản, doanh nghiệp không được đưa hàng hóa vào sử dụng khi chưa có kết quả kiểm tra chất lượng.

Thu Dịu

GẦN 25,5 TỶ USD KIM NGẠCH, VIỆT NAM BUÔN BÁN NHIỀU NHẤT VỚI TRUNG QUỐC

(HQ Online)- Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tăng cao. Đáng chú ý, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với nhập khẩu.

Hoạt động XNK tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn- địa bàn xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam sang Trung Quốc. Ảnh: T.Bình.

Xuất khẩu tăng gần 41%

Với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 25,469 tỷ USD (theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan đến hết tháng 4/2017), Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta. Kết quả này có mức tăng trưởng trên 23% so với cùng kỳ năm 2016.

Đặc biệt, xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm có sự tăng trưởng mạnh mẽ gần 41%, đạt tổng giá trị kim ngạch 8,324 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).

Sự tăng trưởng cao về xuất khẩu vào Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu cả nước nói chung những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này cao gấp gần 2,5 lần mức bình quân chung của cả nước cũng là một điều cần được ghi nhận (tăng trưởng xuất khẩu cả nước 4 tháng đầu năm đạt 16,8%).

Hiện Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với một số mặt hàng quan trọng của Việt Nam, nhất là lĩnh vực nông sản hay một số mặt hàng điện tử.

Đối với mặt hàng rau quả, 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá 759 triệu USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 74,3% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của cả nước.

Thêm một thông tin đáng chú ý là hết tháng 4, nước ta đã có mặt hàng xuất khẩu “tỷ USD” đầu tiên sang Trung Quốc, một điểm mới so với cùng thời điểm này năm 2016. Đó là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá kim ngạch đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng tới gần 108% so với 4 tháng đầu năm 2016 và chiếm gần 24,4% trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước…

Biểu đồ: T.Bình.

Cần tăng sự chủ động trong sản xuất, xuất khẩu

Hoạt động XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có những dấu hiệu khởi sắc, nhất là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quan hệ giao thương với Trung Quốc, Việt Nam vẫn bị phụ thuộc lớn.

Đánh giá về hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, PGS-TS Phạm Tất Thắng- nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương) cho rằng, một thực tế không thể phủ nhận là Việt Nam tiếp giáp một thị trường có dân số lớn nhất thế giới với sức mua vô cùng lớn. Nhưng Trung Quốc cũng là công xưởng lớn nhất nhất thế giới. Vì vậy, Việt Nam vừa có thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa, nhưng cũng phải chịu nhiều áp lực trong quan hệ giao thương với quốc gia láng giềng này (về nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc).

 
“Chúng ta chỉ mới đưa hàng lên biên giới, còn khi hàng sang bên kia, vào kênh phân phối nào, đến đối tượng tiêu thụ nào… chúng ta chưa nắm đươc, dẫn đến có những mặt hàng sản xuất ra không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Và thiệt hại lại rơi vào người nông dân, các nhà sản xuất”- PGS-TS Phạm Tất Thắng.
 

PGS-TS Phạm Tất Thắng phân tích, lợi thế của Việt Nam là có thể đưa được những mặt hàng mà nước ta có thế mạnh và phù hợp với thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng nông sản. Mặt khác, thị trường Trung Quốc cũng có yêu cầu về chất lượng không quá khắt khe như nhiều thị trường lớn khác.

Đồng thời, Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi để xuất khẩu thông qua đường tiểu ngạch.

Nhưng những lợi thế kể trên có thể sớm mất đi. Bởi “Trung Quốc đang siết lại các tiêu chuẩn trong hoạt động XNK theo quy định của WTO, đặc biệt là hạn chế việc nhập khẩu qua đường mòn, lối mở. Đồng thời điều tiết luồng hàng hóa XNK theo nhu cầu phát triển của nước họ. Và như vậy, hàng hóa của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn”-  PGS-TS Phạm Tất Thắng nói.

Chính vì vậy, dù hoạt động xuất khẩu của nước ta đang có sự tăng trưởng cao vào Trung Quốc nhưng vẫn chưa tạo được sự bền vững. Bởi có không ít thời điểm, Trung Quốc tăng mua ồ ạt một số mặt hàng nhưng sau đó ngừng mua đột ngột đẩy Việt Nam vào thế bị động, lúng túng và phải đi giải cứu.

Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương lấy ví dụ việc giải cứu mặt hàng thịt lợn gần đây là một điển hình. Nhưng theo ông, đề nghị Trung Quốc giúp “giải cứu” là không hề dễ dàng vì khi đó đối tác sẽ có những điều kiện đổi lại để chúng ta phải tiêu thụ những hàng hóa của họ.

Theo PGS-TS Phạm Tất Thắng, những bất lợi nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản. Trước tiên là chất lượng, mẫu mã hàng hóa của Việt Nam còn hạn chế nên chưa đến được nhiều thị trường tiêu thụ khác trên thế giới. Và khi bị phụ thuộc lớn vào một thị trường thì việc xuất khẩu luôn bị động.

Một điểm yếu khác được chuyên gia đề cập là, Việt Nam chưa nắm bắt được hết quá trình tiêu thụ hàng hóa của mình ở thị trường Trung Quốc. “Chúng ta chỉ mới đưa hàng lên biên giới, còn khi hàng sang bên kia, vào kênh phân phối nào, đến đối tượng tiêu thụ nào… chúng ta chưa nắm đươc, dẫn đến có những mặt hàng sản xuất ra không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Và thiệt hại lại rơi vào người nông dân, các nhà sản xuất”- PGS-TS Phạm Tất Thắng chia sẻ.

Để khắc phục được những hạn chể nêu trên, tận dụng tốt lợi thế ở gần thị trường tiêu dùng lớn bậc nhất thế giới là Trung Quốc, PGS-TS Phạm Tất Thắng cho rằng, vấn đề cốt yếu của Việt Nàm là tổ chức lại hoạt động sản xuất, công tác quản lý, điều hành, xúc tiến thương mại một cách bài bản, chủ động, hiệu quả gắn với nâng cao mẫu mã, chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Thái Bình

NHIỀU VẤN ĐỀ CẦN THỐNG NHẤT VỀ KHAI BÁO ĐỊNH MỨC HÀNG GIA CÔNG, SẢN XUẤT XK

(HQ Online)- Làm cách nào để tạo thuận lợi cho DN gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất trong quá trình làm thủ tục hải quan, đồng thời cơ quan Hải quan có cơ sở để quản lý, tránh thất thu thuế? Đây là vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC do Tổng cục Hải quan tổ chức, ngày 27/9. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các DN XNK liên quan lĩnh vực điện tử, dệt may, da giầy, cơ khí và thủy sản.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư-gia công (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: N.LINH

Loại hình nhiều đặc thù

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh khẳng định, quan điểm của cơ quan Hải quan là tạo thuận lợi tối đa cho DN, không gây khó khăn so với quy định hiện hành, song phải đảm bảo quản lý của cơ quan Hải quan đối với hoạt động sản xuất của DN.

Đại diện ban soạn thảo, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, trong quá trình xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC, Tổng cục Hải quan đã nhận được ý kiến tham gia của một số DN, Hiệp hội DN về nội dung dự thảo Thông tư. Những vấn đề DN gia công, sản xuất XK phản ánh liên quan tới định mức; báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư NK. Nhiều vấn đề đã được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa. Tại hội nghị này sẽ tiếp tục thảo luận về những vấn đề trên nhằm đưa ra giải pháp quản lý tốt nhất cho cả hai bên.

Trao đổi về những vấn đề DN phản ánh trong quá trình hoàn thiện dự thảo, ông Âu Anh Tuấn cho biết, mỗi nhóm DN hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau lại có những đặc thù riêng.

Nhóm DN điện tử phản ánh, do tính chất đặc thù của ngành hàng điện tử, trước khi sản xuất sản phẩm DN xây dựng định mức kỹ thuật chưa tính hao hụt trong quá trình sản xuất. Định mức kỹ thuật của sản phẩm và các tài liệu liên quan đến thay đổi định mức đều được lưu trữ trên phần mềm. Khi sản xuất sử dụng định mức kỹ thuật để tính toán lượng nguyên liệu thực tế đưa vào sản xuất và ghi nhận lượng nguyên liệu tiêu hao trong quá trình sản xuất bằng hệ thống theo dõi riêng của DN.

Cùng một mã sản phẩm của nhiều đơn hàng khác nhau thì DN chỉ tính toán “định mức trung bình tháng” dựa trên định mức của từng đơn hàng. Như vậy, DN cho rằng thực tế khi kết thúc quá trình sản xuất, DN không tính toán định mức thực tế bao gồm tỷ lệ phế liệu, phế phẩm mà có hệ thống theo dõi toàn bộ lượng nguyên liệu hao hụt được ghi nhận trên hệ thống và trên sổ sách kế toán thay vì phải phân bổ thành tỷ lệ hao hụt trong định mức. Kiến nghị của nhóm DN ưu tiên điện tử và Công ty Samsung Thái Nguyên là sử dụng định mức trung bình tháng= tổng lượng từng nguyên liệu cấp cho các lệnh sản xuất/tổng lượng sản phẩm và bán thành phẩm của các lệnh sản xuất.

Nhóm DN dệt may phản ánh: Hiện nay, công ty may mặc đang ký kết hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài theo dạng hợp đồng nguyên tắc có thời hạn thực hiện từ 1 đến 5 năm. Vì vậy khi ký hợp đồng gia công hai bên chưa có đầy đủ các thông tin của các đơn hàng sẽ sản xuất, khi có đơn hàng phát sinh cụ thể hai bên ký phụ lục thực hiện. Do vậy, quy định thông báo định mức kỹ thuật khi thông báo hợp đồng gia công chưa phù hợp với thực tế.

Trong quy định về định mức có đưa ra hai khái niệm về định mức kỹ thuật và định mức thực tế. DN đề nghị làm rõ nội hàm của từng khái niệm và giá trị sử dụng của cả phía DN cũng như cơ quan Hải quan. Tránh trường hợp định mức kỹ thuật, định mức thực tế có sự sai khác là lý do để cơ quan Hải quan kiểm tra, xử lý thuế. Hơn nữa, các DN dệt may cho rằng việc xác định định mức thực tế dựa vào định mức kỹ thuật và các chứng từ như xuất bù nguyên phụ liệu, chứng từ thu lại nguyên phụ liệu, sản phẩm hư hỏng, phế liệu, hạch toán vào hệ thống kế toán theo từng kỳ kế toán, điều này gây khó khăn cho DN và kiến nghị không phải thông báo định mức kỹ thuật chỉ yêu cầu định mức thực tế sử dụng của đơn hàng khi kết thúc sản xuất cùng với thời điểm nộp báo cáo quyết toán. DN có trách nhiệm xây dựng, lưu giữ tài liệu và chứng minh định mức thực tế sản xuất cho từng mã hàng của mình.

Cần giải pháp chung nhất

Những ý kiến phản hồi của DN trong quá trình hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC đã được ban soạn thảo tiếp thu và giải trình cụ thể. Một trong những vấn đề được làm rõ là khái niệm định mức kỹ thuật, bao gồm định mức sử dụng và lượng hao hụt của từng nguyên liệu, vật tư dự kiến (riêng đối với DN điện tử khi xây dựng định mức kỹ thuật không xác định hao hụt sẽ ghi nhận và quy định phù hợp với đặc thù của DN điện tử). DN sẽ tổ chức sản xuất theo định mức kỹ thuật do DN tự xây dựng. Trong quá trình tổ chức sản xuất của sản phẩm theo định mức kỹ thuật này, thực tế lượng nguyên liệu, vật tư sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm (bao gồm phế liệu, phế phẩm, phế thải trong quá trình sản xuất) thì được gọi là định mức thực tế.                           

Tiếp thu ý kiến các DN dệt may, tại thời điểm thông báo hợp đồng gia công có thể không có định mức thỏa thuận trên hợp đồng và thực tế khi DN xây dựng định mức kỹ thuật để sản xuất hàng hóa cho hợp đồng cũng có thể sai khác so với định mức thỏa thuận tại hợp đồng. Mặt khác, căn cứ thực tế sản xuất tại các DN trước khi tổ chức sản xuất đều đã xây dựng định mức kỹ thuật của từng mã sản phẩm và đình định mức kỹ thuật này trong sản xuất tại DN. Do vậy, ban soạn thảo gộp khái niệm về định mức kỹ thuật đối với cả loại hình gia công, sản xuất XK là định mức do DN xây dựng trước khi tổ chức sản xuất và chỉ phải thông báo định mức kỹ thuật này cho cơ quan Hải quan khi XK mã sản phẩm đầu tiêu.

Liên quan đến mục đích sử dụng định mức, ban soạn thảo cho biết, cơ quan Hải quan chỉ sử dụng định mức thực tế khi kiểm tra việc khai báo chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm của DN, khi hoàn thuế, không thu thuế hoặc khi kiểm tra, thanh tra DN. Về định mức kỹ thuật, khi tiêp nhận cơ quan Hải quan dùng để phân tích, đánh giá quá trình hoạt động của DN để xác định đối tượng rủi ro, bất thường. 

Tuy nhiên, do các DN với quy mô khác nhau, ngành nghề khác nhau nên tại hội nghị này, đại diện các DN ở các lĩnh vực, ngành nghề tiếp tục cho ý kiến góp ý về xác định định mức thực tế sử dụng tại DN, thời điểm thông báo định mức. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của DN để nghiên cứu, chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Bên cạnh đó, một số vấn đề khác được DN tham gia ý kiến như: Hồ sơ hải quan; thời điểm thông báo kết quả phân luồng tờ khai hải quan; giám sát hải quan… cũng được ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa.

Về vấn đề báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nguyên liệu, phản ánh của nhiều DN là giữ nguyên tần suất báo cáo quyết toán theo năm tài chính và một số DN cho rằng mẫu báo cáo quyết toán này quay trở lại cách quản lý truyền thống. Đồng thời về quy định cơ quan Hải quan sẽ xây dựng hệ thống kết nối để DN cung cấp thông tin với cơ quan Hải quan. DN quan ngại quá nhiều thông tin cung cấp và khối lượng thông tin lớn dấn đến chi phí cao và chất lượng kết nối để chuyển thông tin từ DN đến Hải quan không đảm bảo ổn định.

Về vấn đề này, ban soạn thảo cho biết, trong dự thảo thông tư đã quy định rõ trường hợp thực hiện kết nối hệ thống thì không phải thực hiện quy định về báo cáo quyết toán. Như vậy, đối với những trường hợp chưa sẵn sàng thực hiện kết nối với cơ quan Hải quan sẽ phải thực hiện báo cáo quyết toán định kỳ với cơ quan Hải quan. Hiện tại giải pháp công nghệ thông tin kết nối dữ liệu giữa DN và cơ quan Hải quan nhằm quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đang được Tổng cục Hải quan xây dựng, sẽ có những chỉ tiêu thông tin để quản lý xuất-nhập-tồn kho nguyên liệu, vật tư, sản phẩm XK của hàng hóa gia công, sản xuất XK, DN chế xuất.

Ngọc Linh

ĐỨC LÀ ĐỐI TÁC THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM Ở CHÂU ÂU

(HQ Online)- Với tổng trị giá kim ngạch buôn bán 2 chiều đạt 3,859 tỷ USD, tính hết tháng 5/2017, Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu.

Biểu đồ trị giá kim ngạch 6 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta sang Đức tính hết tháng 5/2017, đơn vị tính “triệu USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, về xuất khẩu, hết tháng 5, thị trường Đức tiêu thụ lượng hàng hóa từ Việt Nam đạt tổng trị giá 2,628 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 2 ở khu vực châu Âu sau Hà Lan (đạt 2,672 tỷ USD).

Tuy nhiên, với trị giá kim ngạch nhập khẩu trong cùng thời điểm là 1,231 tỷ USD, tổng trị giá kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức đạt con số lớn nhất trong các bạn hàng của nước ta ở châu Âu (bởi kim ngạch nhập khẩu từ Hà Lan chỉ đạt hơn 271 triệu USD).

Trong số các nhóm hàng xuất khẩu lớn của nước ta sang Đức, có 6 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Trong đó, điện thoại và linh kiện đứng vị trí số 1 với trị giá kim ngạch gần 733 triệu USD (cập nhật hết tháng 5/2017). Các nhóm hàng kế tiếp là: Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt hơn 394 triệu USD; cà phê gần 270 triệu USD; dệt may 258 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 188,6 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 143 triệu USD.

Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, cùng thời điểm trên có 2 nhóm hàng nhập khẩu từ Đức đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 516,4 triệu USD; dược phẩm 127,8 triệu USD.

Như vậy, so với cùng kỳ 2016, trị giá kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Đức tăng 8,5% tương đương 206 triệu USD; trong khi đó nhập khẩu tăng tới 16%, tương đương 170 triệu USD.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

BỔ SUNG HÀNG TRĂM LOẠI Ô TÔ, XE MÁY VÀO BẢNG GIÁ TÍNH LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ

(HQ Online)- Ngày 24/5, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 942/QĐ-BTC sửa đổi, bổ sung Danh mục Bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy ban hành kèm theo Thông tư số 304/2016/TT-BTC.

MCLAREN 650S SPIDER có giá tính lệ phí trước bạ cao nhất trong các dòng xe bổ sung là 22,02 tỷ đồng.

Theo đó, Bộ Tài chính bổ sung giá tính lệ phí trước bạ của 135 loại ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu; 19 loại ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống lắp ráp trong nước; 2 loại ô tô điện nhập khẩu; 2 loại xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ sản xuất, lắp ráp trong nước; 29 loại xe máy hai bánh nhập khẩu; 127 loại xe máy hai bánh sản xuất, lắp ráp trong nước.

Trong những loại xe nhập khẩu được bổ sung, MCLAREN 650S SPIDER có giá tính lệ phí trước bạ cao nhất là 22,02 tỷ đồng; sau đó là BENTLEY FLYING SPUR 19,5 tỷ đồng; MCLAREN 570S 12,57 tỷ đồng.

Một số dòng xe nhập khẩu mới cũng được bổ sung trong bảng giá này như Audi  Q7 3.6 QUATTRO 2,734 tỷ đồng; AUDI A7 SPORTBACK 3.0 TFSI QUATTRO 3,427 tỷ đồng; BMW X6 xDRIVE 35i M SPORT 3,462 tỷ đồng; CHEVROLET CORVETTE STINGRAY COUPE 2LT Z51 5,06 tỷ đồng; FORD F150 LARIAT 3,65 tỷ đồng; JAGUAR XJL AUTOBIOGRAPHY 11,086 tỷ đồng; LAND ROVER DISCOVERY HSE LUXURY 4,68 tỷ đồng, LEXUS RX350 F SPORT AWD 4,15 tỷ đồng,…

Ngoài ra, Bộ Tài chính sửa đổi giá tính lệ phí trước bạ của 27 loại ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu; 3 loại ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống lắp ráp trong nước; 3 loại xe máy hai bánh nhập khẩu; 7 loại xe máy hai bánh sản xuất, lắp ráp trong nước.

Bảng giá này được sửa đổi, bổ sung chủ yếu do phát sinh ô tô, xe máy chưa được quy định tại Bảng giá do Bộ Tài chính ban hành.

Ngoài giá, các nội dung khác vẫn được thực hiện theo Thông tư 304. Như giá chuyển nhượng ôtô, xe máy thực tế trên thị trường thấp hơn giá tính lệ phí trước bạ do Bộ Tài chính ban hành thì giá tính lệ phí trước bạ là giá theo Bảng giá do Bộ Tài chính ban hành đang có hiệu lực áp dụng.

Với trường hợp tại thời điểm nộp đủ hồ sơ khai lệ phí trước bạ, giá chuyển nhượng thực tế ôtô, xe máy trên thị trường tăng 20% trở lên so với Bảng giá hiện hành đang áp dụng hoặc giá tính lệ phí trước bạ chưa được quy định trong Bảng giá do Bộ Tài chính ban hành, cơ quan Thuế căn cứ giá tính lệ phí trước bạ của các loại ô tô, xe máy đã có tại Bảng giá và hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư số 301/2016/TT-BTC ngày 15-11-2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính để xác định giá tính lệ phí trước bạ theo quy định.

Trường hợp các loại ô tô, xe máy chưa được quy định trong Bảng giá do Bộ Tài chính ban hành, Cục Thuế thông báo cho các Chi cục Thuế giá tính lệ phí trước bạ áp dụng thống nhất trên địa bàn.

Quyết định này chính thức được áp dụng từ 24/5/2017.

H.Vân

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

SẮP THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA QUA SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT

(HQ Online)- Sau sân bay quốc tế Nội Bài, dự kiến tháng 6/2017, Cơ chế một cửa quốc gia sẽ được thực hiện ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đại diện Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) giới thiệu các nội dung cơ bản, quan trọng liên quan đến quá trình xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thủ tục điện tử đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua NSW, tại buổi họp Tổ soạn thảo sáng 19/4/2017. Ảnh: T.Bình.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, hết tháng 4/2017 có 11 bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) với 38 thủ tục hành chính được đưa lên NSW, tổng số hồ sơ hành chính được xử lý trên 315 nghìn bộ và trên 10.800 doanh nghiệp tham gia,

Liên quan đến thực hiện NSW, hiện nay, Tổng cục Hải quan- Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, NSW và tạo thuận lợi thương mại đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện NSW, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định về thực NSW, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định và xin ý kiến của các bộ, ngành để trình thẩm định trước khi trình Chính phủ. Đồng thời, Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai NSW và Cơ chế một cửa ASEAN.

Đối với thực hiện NSW qua đường hàng không, từ 15/4/2017, các bộ, ngành liên quan bắt đầu thí điểm triển khai NSW đường hàng không với việc tiếp nhận dữ liệu bản khai hàng hóa điện tử đối với các chuyến bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của Vietnam Airlines tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Theo Tổng cục Hải quan, đến 30/6/2017 sẽ thực hiện thí điểm việc tiếp nhận, khai thác dữ liệu bản khai hàng hóa điện tử của Vietnam Airlines thông qua NSW đối với các chuyến bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của Vietnam Airlines tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn

VIỆT NAM – CAMPUCHIA THỐNG NHẤT XÂY CAO TỐC TP.HCM – PHNOM PÊNH

Việt Nam và Campuchia vừa ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện nghiên cứu, xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Phnom Pênh.

 
NHAT8957

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia 

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 24 – 25/4/2017, ngày 25/4/2017 tại thủ đô Phnom Pênh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã có buổi hội đàm chính thức. Tham gia Hội đàm về phía Bộ Giao thông vận tải có Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa.

Tại buổi hội đàm, hai Thủ tướng đã hài lòng ghi nhận những thành tựu tốt đẹp trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, sâu sắc và toàn diện, láng giềng đoàn kết hữu nghị và hợp tác. Trong thời gian tới, hai Bên mong muốn tiếp tục tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, hỗ trợ nhau hội nhập tích cực và sâu rộng trong tình hình mới.

Về giao thông vận tải, hai Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vận tải qua lại hai nước, đặc biệt là kết nối đường bộ mà điển hình là dự án đường 78 cùng đoạn nối từ đường 78 – QL19 của Việt Nam qua cặp cửa khẩu Lệ Thanh – Yoyadav (được xây dựng bằng vốn ưu đãi của Chính phủ Việt Nam), cầu Long Bình – Chrey Thom (vừa khánh thành ngày 24/4/2017)…

Để tăng cường kết nối hai nền kinh tế mạnh mẽ hơn, hai Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành thảo luận để sớm đi đến ký kết Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực GTVT, theo đó nhấn mạnh nội dung: kết nối hạ tầng giao thông; tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải và thương mại qua lại hai nước; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho Campuchia trong thời gian tới.

Ky 1

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng cấp cao Giao thông Công chính Campuchia Sun Chanthol ký Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy nghiên cứu và xây dựng các tuyến Đường cao tốc Tp.HCM – Mộc Bài và Phnom Pênh – Bà Vẹt

Kết thúc hội đàm, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng cấp cao Giao thông Công chính Campuchia Sun Chanthol đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Campuchia về việc thúc đẩy Nghiên cứu và xây dựng các tuyến Đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (65km) và Phnom Pênh – Bà Vẹt (130km). Đây là một trong bốn văn kiện quan trọng được ký kết trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ tại Campuchia.

 Theo Bản ghi nhớ này, hai Bên thống nhất phối hợp nghiên cứu để đầu tư, xây dựng cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh – Thủ đô Phnom Pênh, tương ứng với việc mỗi bên sẽ nghiên cứu để đầu tư xây dựng các đoạn cao tốc tương ứng trên lãnh thổ mình.

Cao tốc Phnom Pênh – Bà Vẹt được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đã cơ bản hoàn thành nghiên cứu khả thi. Phía Việt Nam ghi nhận kết quả nghiên cứu của phía Campuchia, ghi nhận hướng tuyến, quy mô và quy hoạch sơ bộ điểm đấu nối. Hai Bên phối hợp kết nối hài hoà giữa 2 đoạn tuyến cao tốc về cụ thể điểm nối, mặt cắt ngang phù hợp… đồng thời thống nhất bố trí quy hoạch không gian phù hợp cho khu vực Trạm kiểm soát liên hợp, khu vực kiểm hoá chung (CCA)… Hai Bên giao Ban quản lý dự án an toàn giao thông đại diện cho Bộ Giao thông vận tải và Cục Cao tốc Campuchia đại diện cho Bộ Giao thông công chính Campuchia làm đầu mối đôn đốc dự án cao tốc này.

Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ đi gần song song với Quốc lộ 22 và cách Quốc lộ 22 về phía Bắc khoảng 4 km với tổng chiều dài khoảng 65 km. Tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư theo quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km, tổng mức đầu tư khoảng 650 triệu USD.

Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được nghiên cứu và đầu tư sẽ giảm tải cho tuyến Đường bộ xuyên Á (quốc lộ 22 – là tuyến quốc lộ duy nhất nối Tp.HCM với cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, cửa ngõ quốc tế thông thương Quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN), giảm thời gian và tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách đến/đi từ thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận; góp phần hoàn chỉnh mạng đường cao tốc theo qui hoạch, đó là phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được được đầu tư xây dựng trong khu vực phía Nam bao gồm: cao tốc TP.HCM – Trung Lương (đã hoàn thành), TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đang xây dựng); liên kết với các tuyến quốc lộ 1, 22, 22B, đường Hồ Chí Minh, cùng hệ thống giao thông đường sắt đô thị, đường sắt nhẹ, đường hàng không, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế – xã hội của khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, tuyến dự án sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN (Bangkok – Phnom Pênh – TP.HCM).

Trước đó, ngày 24/4/2017, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng hai Thủ tướng Chính phủ tham gia Lễ Khánh thành dự án cầu Long Bình – Chrey Thom (sử dụng vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Việt Nam).

Ngọc Thuyên. Ảnh: TTXVN

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/

QUY TẮC XUẤT XỨ: RÀO CẢN LỚN NHẤT CỦA XUẤT KHẨU DỆT MAY VÀO EU

(HQ Online)-Tại hội thảo Dệt may Việt Nam với quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do EU –Việt Nam (EVFTA) do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với Dự án EU-MUTRAP tổ chức ngày 20/4, tại TP.HCM, các chuyên gia cho biết việc tuân thủ quy tắc xuất xứ đang là trở ngại lớn nhất để hàng dệt may xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế tại thị trường này. 

Sản suất hàng dệt may XK tại Công ty May Sài Gòn 3
Nhận định về tình hình XK hàng dệt may vào thị trường EU trong thời gian qua, bà Đặng Phương Dung, Phó trưởng Ban cố vấn Vitas, Chuyên gia dự án EU-MUTRAP cho biết, mặc dù EU là thị trường nhập khẩu (NK) hàng dệt may lớn nhất thế giới nhưng lại là thị trường XK lớn thứ 2 của hàng dệt may Việt Nam (sau Mỹ). Tốc độ tăng trưởng của kim ngạch XK hàng dệt may vào EU cũng như tỉ trọng hàng dệt may NK vào EU cũng còn rất nhỏ, điều này thể hiện năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam còn có vấn đề. Việc đàm phán và ký kết EVFTA là nhằm tạo thêm điều kiện giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh vào thị trường này.

Theo bà Đặng Phương Dung, việc XK hàng dệt may vào EU trong thời gian qua còn khó khăn do thị trường EU là thị trường khó tính, số lượng đơn hàng nhỏ, không lớn như Mỹ. Bên cạnh đó, các nhà NK có xu hướng mua sản phẩm trọn gói thay vì đặt gia công nên phần lớn các DN còn chưa có sức cạnh tranh như Việt Nam còn khó tiếp cận.

 EVFTA sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho DN mở rộng thị trường nhờ các chính sách ưu đãi về thuế, tuy nhiên theo bà Đặng Phương Dung, quy tắc xuất xứ đang là trở ngại lớn nhất cho hàng dệt may vào thị trường này khi có EVFTA có hiệu lực vì Việt Nam đang phải NK vải chủ yếu từ Trung Quốc. Thời gian qua Việt Nam đã kí kết nhiều FTA với ASEAN, Hàn Quốc, Nhận Bản với quy tắc xuất xứ từ vải trở đi, tuy nhiên khả năng sử dụng quy tắc xuất xứ của Việt Nam còn rất hạn chế. 

Tuy nhiên, EVFTA cho áp dụng quy định cộng gộp xuất xứ, cho phép các nhà XK của Việt Nam được sử dụng vải từ một nước thứ 3 có kí kết FTA với Việt Nam và EU (điển hình là Hàn Quốc) đang là một lối mở cho Việt Nam vì trong tương lai, việc các nước ASEAN gia tăng kí FTA với EU sẽ mở rộng nguồn nguyên liệu được hưởng ưu đãi thuế cho Việt Nam. 

 Bà Vũ Thị Phương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong hai tháng đầu năm kim ngạch XK dệt may sang thị trường EU đạt 480 triệu USD, tăng gần 7% so với cùng kì năm 2016, đây được coi là một tín hiệu tích cực cho hoạt động XK hàng dệt may vào thị trường này. Mặc dù tỉ trọng XK hàng dệt may sang EU còn thấp (tính đến năm 2015 mới chỉ chiếm 1,9% tổng kim ngạch NK hàng dệt may của EU) do hàng dệt may vào EU còn phải chịu thuế suất cao từ 8-12%, nhưng với EVFTA, EU là thị trường tiềm năng của ngành dệt may XK. Vì khi hiệp định này có hiệu lực nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế về 0% và sau 7 năm tất cả các mặt hàng XK vào EU sẽ được giảm thuế về 0%. 

Theo ông Stefan Moser, chuyên gia Dự án EU-MUTRAP, để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ theo EVFTA, các sản phẩm XK từ EU phải đáp ứng yêu cầu vải sản xuất tại Việt Nam hoặc từ EU, hoặc từ một nước thứ 3 có đã có FTA với Việt Nam và EU. Tuy nhiên, tỉ lệ tận dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp song phương (NK vải từ EU về sản xuất rồi XK thành phẩm sang EU) rất ít vì vải của EU rất đắt và chi phí vận chuyển cao.

Cũng theo ông Stefan Moser các hoạt động chế biến không đủ như bảo quản sản phẩm, tháo và lắp ráp các gói hàng, đánh bóng…) không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ nên nếu DN vẫn khai báo và xuất đi EU có thể bị phát hiện trong hậu kiểm của cơ quan chức năng châu Âu và sẽ bị truy thu và phạt.

 Theo các chuyên gia, cơ hội từ EVFTA là rất lớn nhưng để tận dụng được các DN phải đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Trong khi đó theo bà Vũ Thị Phương, thực tế tận dụng ưu đãi từ các FTA đã kí kết còn khá thấp. Hiện nay mới chỉ có 35% hàng XK của Việt Nam tận dụng được các cơ hội từ các FTA, 65% còn lại vẫn phải chiụ thuế suất cao. Nhằm hỗ trợ các DN, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tích cực tuyên truyền cung cấp thông tin về thị trường để các DN chuẩn bị. “Các quy định của FTA ngày càng ngặt nghèo và DN phải chuẩn bị kĩ càng mới có thể tận dụng được các cơ hội từ hội nhập”, bà Phương nhấn mạnh.

Nguyễn Huế